Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Wednesday, September 06, 2017 , 0 bình luận

(tindautruongdanchu)-Trong mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược trên chiến trường miền Nam nhằm “tìm diệt” chủ lực Quân giải phóng, giành lại thế chủ động chiến lược đã mất, “bình định” miền Nam; đồng thời, mở rộng và tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Thế nhưng, trải qua hai năm đó, quân và dân hai miền Nam, Bắc Việt Nam từng bước đánh bại những bước leo thang chiến tranh của Mỹ, giữ vững thế chủ động chiến lược, khiến cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn rơi vào thế bị động, nội bộ mâu thuẫn. Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng dâng cao mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới và ngay tại nước Mỹ buộc Mỹ phải bước vào bàn đàm phán Paris.


Hiệp định Paris là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Về mặt công khai thì đàm phán có 4 bên và nội dung chính thức của bản Hiệp định cơ bản dựa trên Tuyên bố 10 điểm ngày 08-05-1969 của phái đoàn Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Ảnh chụp từ video


Khi đến Paris dự đàm phán, Mỹ vẫn còn ở thế mạnh. Hội nghị Paris vì thế ngoài việc đấu trí trên bàn đàm phán còn phải phụ thuộc rất nhiều vào cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt ở chiến trường trong nước. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật vừa đánh vừa đàm của dân tộc ta.

Cuối năm 1968, Richard Nixon đắc cử tổng thống Mỹ, nối tiếp vai trò của chính quyền Lyndon B. Johnson trên bàn đàm phán Paris. Để cứu vãn uy thế của nước Mỹ, Nixon đưa ra khẩu hiệu “hòa bình trong danh dự”, với tham vọng đàm phán, rút quân trên thế thắng tại bàn Hội nghị Paris.

Để thực hiện tham vọng trên, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” tại miền Nam Việt Nam, thí điểm bằng cuộc hành quân quy mô mang tên “Lam Sơn 719”. Phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã huy động đến bốn vạn quân, với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của Mỹ, mở cuộc hành quân tấn công vào Hạ Lào từ ngày 31-1-1971, với tham vọng phá vỡ hệ thống hậu cần của ta và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.

Mời bạn xem video:





Sau gần hai tháng triển khai, cuộc hành quân này đã bị quân và dân ta phối hợp với nước bạn Lào đánh bại hoàn toàn. Bước đầu mong muốn giành ưu thế trên bàn đàm phán của Mỹ và VNCH đã bị phá sản. Đây là một trong những chiến dịch phản công mẫu mực và ít hao người tốn của nhất trong số các chiến dịch của ta tổ chức từ trước tới nay. Với chiến thắng này, ta đã đánh quỵ và gần như làm sụp đổ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy”.

Tiếp nối đà thắng lợi, để tạo thế và lực cho ta bước vào “giai đoạn nước rút” của đàm phán Paris trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Đây được xem là cuộc tổng tấn công chiến lược của quân dân ta trên các hướng chiến trường trọng điểm Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên, bằng các chiến dịch hợp đồng binh chủng trên quy mô lớn, mở màn từ ngày 30-3-1972.

Đến ngày 1-5-1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện này đã gây rúng động cả thế giới. Để cứu vãn tình thế, phía VNCH, dưới sự yểm trợ của Mỹ, quyết tâm tái chiếm Quảng Trị trước ngày 13-7-1972 để mặc cả trên bàn đàm phán. Trận chiến 81 ngày đêm giữ vững thành cổ Quảng Trị vì thế diễn ra quyết liệt, giằng co giữa hai phía, trở thành một trong những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến chống Mỹ. Chưa bao giờ có một trận đánh mà gần như toàn bộ Bộ Chính trị tập trung theo dõi từng bước đi của từng trung đoàn, sư đoàn như trận đánh này.

Khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 mở màn, đàm phán Paris lâm vào bế tắc. Trưởng đoàn Xuân Thủy chủ trương mở tiệc chiêu đãi để tiếp xúc, tìm hiểu dư luận, hỗ trợ cho chiến trường. Các trận đánh ác liệt năm 1972, đặc biệt là trận đánh 81 ngày đêm ở Quảng Trị, đã thúc đẩy đàm phán đi vào thực chất. Và những đòn tấn công ngoại giao của ta cũng có tính đột phá.

Trong suốt quá trình đàm phán Paris, ta luôn kiên quyết giữ vững lập trường then chốt, đó là quân đội Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam có quyền ở lại chiến trường miền Nam. Phía Mỹ đưa ra điều kiện quân Mỹ rút thì quân miền Bắc cũng phải rút khỏi miền Nam.

Trong một cuộc gặp riêng, cố vấn Henry Kissinger đưa ra một cuộn băng và một tấm ảnh bảo đây là bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện, “xâm lược” của quân đội miền Bắc vào miền Nam. Rồi Kissinger đề nghị: “Tôi đồng ý rút nhưng mà các anh cũng phải rút”. Phản bác lại yêu cầu của cố vấn Mỹ, ta lập luận, nếu đặt giả thuyết bang Washington bị ngoại xâm, người của bang New York đến cứu bang Washington, hành động này sao có thể xem là “xâm lược”. Trước lập luận sắc bén này, phía Mỹ lâm vào thế bí. Nhưng không phải vì thế mà Mỹ nhượng bộ. Phải đợi đến khi quân dân ta giành được những thắng lợi về quân sự trên chiến trường ở cả hai miền Nam-Bắc thì Mỹ mới chấp nhận điều kiện then chốt này của ta.

Phút chót Mỹ sử dụng con bài ném bom miền Bắc. Mặc dù Mỹ phản ứng điên cuồng như vậy nhưng thắng lợi của ta trên các chiến trường miền Nam năm 1972 và đặc biệt là thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đơn phương rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam nước ta.

Kéo dài suốt 5 năm với gần 250 cuộc họp và gặp riêng, Hội nghị Paris là đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh vừa đàm của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiệp định Paris được ký kết là thành quả rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; kết quả của cuộc đấu tranh, đấu trí kiên quyết, sáng tạo trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Bằng trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” và có những quyết sách đúng đắn, khôn khéo, từng bước đưa cuộc kháng chiến phát triển theo hướng có lợi nhất.

Thắng lợi trên bàn đàm phán Paris là kết quả tổng hợp của nhân tố quân sự - chính trị - ngoại giao; trong đó, cuộc đấu tranh kết hợp “vừa đánh, vừa đàm”, phát huy thắng lợi trên chiến trường với đấu tranh ngoại giao có vai trò quan trọng. Đó là thắng lợi thuyết phục không chỉ trước một đối thủ hùng mạnh, mà còn là sự thể hiện cao nhất của nghệ thuật dẫn dắt – “vừa đánh, vừa đàm” – nghệ thuật quân sự của một dân tộc biết khởi đầu và kết thúc cuộc chiến theo truyền thống quân sự Việt Nam.

Người ta thường nói "Chính nghĩa tất thắng", nhưng lịch sử cũng từng chứng kiến chính nghĩa không phải lúc nào cũng "Tất thắng" mà lắm khi phải chờ đợi, thậm chí cũng phải chịu nhiều phen thất bại. Từ đó vấn đề là phải làm sao cho chính nghĩa được "Tất thắng"? Câu trả lời là phải tạo điều kiện cho chính nghĩa thắng, phải biết "Cách làm" cho chính nghĩa thắng! Nói cách khác là phải có phương pháp cách mạng thích hợp trong đó có phương pháp ngoại giao.

Chỉ ở Việt Nam vào thời đại Hồ Chí Minh mới có một cuộc "vừa đánh vừa đàm" trong đó quân sự và ngoại giao được phối hợp nhuẫn nhuyễn mang tính đỉnh cao của trí tuệ như vậy./.

HNN (dautruongdanchu.blogspot.com)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X